Thầy Tàu Ly Kỳ Truyện - Quyển 6 - Cải Táng (Trường Lê)

Thầy Tàu Ly Kỳ Truyện - Quyển 6 - Tác Giả Trường Lê.

– CẢI TÁNG –

Chap 98 : “Tứ Bảo Thành Hoàng - Tượng Vàng Ẩn Thủ “

Ông Kha cùng các cụ nghe thầy Lương nói xong thì quay sang nhìn nhau, cùng há hốc mồm kinh ngạc….Cụ Đồng thảng thốt :

– Nhà anh vừa…nói…nói gì…cơ….? Đình Nghè có bảo vật…..thật ư ?

Thầy Lương gật đầu quả quyết :

– Dạ thưa các cụ, đúng là như vậy….Không chỉ 1 mà có tới 4 thứ bảo vật.

Cụ Khiết hỏi :

– Phù điêu thì ở đây rồi, cột gỗ lim thì trong đình vẫn còn, cứ coi như bia làm bằng đồng đen đã bị đánh cắp…..Thế anh cho tôi hỏi, tượng Phật vàng ở đâu ?

Câu hỏi của cụ Khiết vừa vào thẳng trọng tâm mà vừa gãi đúng chỗ ngứa của mấy cụ còn lại, ngay cả ông Kha cũng tỏ ra rất tò mò với “Tứ Bảo” thầy Lương vừa nói. Sợ thầy Lương vì muốn lấy lòng các cụ mà ba hoa quá đà, ông Kha đứng sát lại, lén lén kéo vạt áo thầy Lương, giọng trùng xuống thì thầm :

– Bác Lương…..Sao…tự nhiên bác lại nói thế ? Chuyện này không đem ra đùa được đâu…..

Cụ Đồng yêu cầu mọi người giữ trật tự, đoạn lấy lại bình tĩnh, chống cái gậy xuống đất, cụ Đồng hỏi :

– Anh Lương này, niệm tình anh là họ hàng với nhà anh Kha, cũng có chút hiểu biết, chắc là anh muốn nói tốt cho đình…..Nhưng nói dài nói dai thành ra nói dại, tôi năm nay cũng 80 tuổi rồi, gần đất xa trời, chẳng biết sống được mấy năm nữa…..Thôi thì xét về tuổi, tôi là người già nhất cái thôn này. Cuộc đời tôi gắn bó với thôn Phượng Bãi, với đình Nghè từ khi còn nhỏ xíu…..Tôi không dám nhận mình là người cái gì cũng biết, nhưng chưa bao giờ tôi nghe thấy các cụ, các ông đi trước nhắc đến việc đình Nghè có bảo vật. Đời bố tôi đến đời tôi rồi đời con cái chúng tôi, bà con dân thôn vất vả, lam lũ, làm quần quật cả ngày cũng chẳng đủ ăn. Xong chiến tranh, nạn đói, người chết chôn còn không có áo quan….Nghèo đói cũng đã 3 đời thì lấy đâu ra vàng với bạc….Khi nãy chúng tôi có nóng giận, nói mấy lời hơi quá đáng, nhưng nghĩ lại già cả rồi, chín bỏ làm mười…..Anh chỉ cần xin lỗi tôi cùng các cụ đây 1 câu là được, chứ cứ nói tiếp, càng nói càng chẳng đâu vào đâu.

Ông Kha vội kéo tay thầy Lương :

– Cụ Đồng nói phải đấy bác ạ……Tôi thấy mọi chuyện đang đi quá xa rồi…..Bác Lương….bác…..

Thầy Lương tiến lên 1 bước, hai tay chắp trước ngực, khẽ cúi đầu, thầy Lương nói :

– Cảm tạ các cụ đã đại xá….Từ hôm qua đến nay tôi được ăn cơm, được uống nước của thôn Phượng Bãi…..Hôm nay coi như Lương tôi góp chút sức mọn tìm ra bảo vật để trả ơn mọi người vậy. Tượng Phật vàng may mắn thay vẫn còn ở trong đình. Tôi có thể lấy được bảo vật này nếu các cụ đồng ý.

Cụ Đồng run run đôi bàn tay, khóe môi mấp máy. cụ Đồng nói mà như lắp :

– Có…có thật…..thật không…..?

Thầy Lương nở 1 nụ cười hiền hậu, gật đầu thầy cung kính trả lời :

– Có thật, chắc chắn là có…..Mời các cụ đi theo tôi trở vào trong đình…

Thầy Lương, ông Kha cùng các cụ bước vào trong tòa đại đình….Bên trong đình mặc dù mọi thứ đã xuống cấp, mấy bức hoành phi gãy nứt không còn nguyên vẹn, bộ cửa võng cũng đã mục gần như toàn bộ, rường, kèo, các thanh xà trên trần cũng có dấu hiệu sập xệ…..Nếu không phải đình được chống đỡ bởi 16 cây cột gỗ lim, chắc có lẽ cũng khó mà tồn tại được đến bây giờ. Một số cột gỗ còn có vết đạn bắn, bong tróc đi từng mảng khá lớn.

Ở giữa điện chính, cũng giống như bao ngôi đình khác, đình thờ thần Thành Hoàng.

Tượng Thành Hoàng được tạc bằng gỗ, đã nhiều năm không được sơn sửa, tu bổ nên lớp sơn son, thiếp vàng đã bong tróc hết cả. Tượng cao hơn 1m, dáng ngồi, đầu đội mũ quan, oai phong, bệ vệ…..Hai bên trái phải là 2 bức tượng gỗ tạc hình hạc đứng chầu, phía trước là lư đồng, phía sau có bức vách gỗ chạm bức họa “Bát Mã Quần Phi”. Trên cao có treo 1 biển gỗ với 4 chữ “Tả Dực Thánh Quân”.

Có thể thấy, thần Thành Hoàng mà đình thờ phụng là 1 vị quan võ……Trước khi lấy bảo vật, thầy Lương cung kính dâng hương, miệng đọc văn khấn thần Thành Hoàng…..Khấn vái, bái lạy xong, thầy Lương nói :

– Trải qua đã hơn 200 năm, cơ duyên đưa tôi đến diện kiến “Tả Dực Thánh Quân”. Được sự cho phép của ngài, hiểu được thánh ý, biết được bảo vật ở đâu….Nay xin được thay “Tả Dực Thánh Quân” trao bảo vật lại cho bà con dân thôn bao đời thờ phụng.

Dứt lời, thầy Lương nói ông Kha lấy cho mình cái ghế kê về phía sau tượng Thành Hoàng. Cụ Đồng cùng những cụ khác đi theo xem mà hồi hộp không biết thầy Lương định làm gì. Ghế đã được kê, thầy Lương hỏi :

– Các cụ, các cụ cho phép tôi lấy bảo vật chứ ?

Cụ Đồng cùng những cụ khác gật đầu, đồng thanh nói :

“ Đồng ý “

Thầy Lương tháo giày vải, bước chân lên trên ghế, với tay lên đầu tượng Thành Hoàng……Sau ít giây tìm kiếm, cuối cùng thầy Lương cũng chạm được vào cái lẫy nhỏ ở phía trên phần mũ quan của bức tượng.

“ Cách “

Trước mặt các cụ cùng ông Kha, sau khi thầy Lương chạm vào lẫy, phần đầu phía sau bức tượng khẽ tách ra 1 miếng gỗ để lộ 1 ngăn bí mật. Hóa ra phần đầu của tượng được tạc rỗng. Thò tay vào trong, thầy Lương mỉm cười :

– Đây rồi…

Lấy ra từ tượng Thành Hoàng 1 bức tượng Đức Phật có màu vàng chóe, đóng phần gỗ khi nãy lại, một tiếng “cạch” khẽ vang lên, nhìn bức tượng Thành Hoàng nguyên vẹn không có lấy 1 vết nối. Phải nói nghệ nhân tạc ra tượng Thành Hoàng phải là 1 người cực kỳ tài giỏi.

Bước xuống ghế, trước khi trao lại bức tượng vàng cho cụ Đồng, nở nụ cười, thầy Lương nói :

– Tượng vàng ở đây, bảo vật của đình, tôi thay mặt người xưa trao lại cho dân thôn Phượng Bãi. Cụ cầm cẩn thận, tuy nhỏ nhưng là tượng được đúc bằng vàng đặc nguyên khối, không nhẹ đâu….

Tượng đúc Đức Phật ngồi trên đài sen, tính cả phần đài sen thì bức tượng cao chừng 15 phân, phần đế rộng 10 phân. Bên dưới đế đài sen có khắc mấy dòng chữ Hán.

Thầy Lương dịch lại những dòng chữ Hán cho mọi người nghe :

“Tứ Bảo Thành Hoàng - Tượng Vàng Ẩn Thủ “.

“Niên hiệu Cảnh Hưng - Năm Thứ 40“.

– Câu đầu tiên ý nói tượng Thành Hoàng là bảo vật thứ 4, ẩn trong phần đầu của tượng Thành Hoàng là tượng Phật vàng….Còn bên dưới ghi niên hiệu cũng như năm đúc ra bức tượng…..Năm thứ 40 là năm vua Lê Duy Diêu trị vì tính từ khi nối ngôi bắt đầu từ 1740 đến 1780, lấy niên hiệu Cảnh Hưng…..Ngôi đình này tính đến bây giờ đã được 225 năm tuổi. Chà, thực sự còn lâu đời hơn tôi nghĩ…..

Tượng phải nặng đến 3 cân, cầm tượng vàng trên tay mà cụ Đồng cùng những cụ khác vẫn chưa dám tin đây là sự thật. Mọi thứ diễn ra quá bất ngờ, cứ như 1 giấc mơ vậy.

Cụ Đồng đưa tay nhéo mạnh vào người cụ Đam khiến cụ Đam kêu lên oai oái :

– Á…đau…đau……Cụ…làm cái trò gì vậy ?

Cụ Đồng hai tay đỡ bức tượng, rưng rưng nước mắt, miệng mấp máy đáp :

– Đau à ? Đau phải không ? Thế thì đúng rồi các cụ ơi……Đây….hic…hic….không…phải là…mơ……Tượng Phật vàng là có thật…..Tạ ơn trời phật, thôn ta…có bảo vật…thật rồi……Hức…hức..hức…

Nước mắt cụ Đồng cứ thế chảy xuống, các cụ khác cũng ôm nhau mừng vui, sung sướng…..Ông Kha nhìn thầy Lương sửng sốt nói không lên lời……Trong sự kính phục đến vô bờ, ông Kha bất giác quỳ xuống khấu đầu trước thầy Lương :

– Bác Lương…..Thay mặt thôn Phượng Bãi, tôi xin khấu đầu cảm ơn công đức của bác…..

Thấy ông Kha hành lễ, các cụ cũng định vén ống quần tính quỳ thì thầy Lương vội đưa tay ra đỡ tất cả mọi người….Thầy Lương nói :

– Ấy chết, chú Kha đứng dậy đi…..Chú quỳ thế này xong để các cụ học theo tổn thọ tôi lắm…..Đứng lên, đứng lên……Cả các cụ nữa, các cụ mà làm vậy sao tôi dám ở lại thôn ta. Được rồi, được rồi…..Tấm lòng của mọi người tôi xin nhận. Chuyện này chỉ là chuyện nhỏ, bảo vật của thôn, tôi chỉ góp chút sức mọn tìm ra thôi…..Không cần đa lễ…

Ông Kha mừng rớm nước mắt, các cụ cũng cảm động mà sướt mướt không ngừng…..Cụ Đồng thổn thức :

– Chuyện nhỏ gì chứ, 80 năm cuộc đời, đây là lần đầu tiên tôi được chứng kiến 1 chuyện đại sự như thế này…..Anh Lương, công đức của anh đối với thôn Phượng Bãi chúng tôi lớn lắm, chúng tôi phải làm gì để trả ơn anh đây…..Xin anh cứ nói…..

Thầy Lương đi ra phía trước gian điện chính, nét mặt đầy âu lo, thầy Lương khiến cho các cụ cảm thấy bất an, mặc dù chỉ vừa mới vài phút trước đây ai cũng vui vì tìm được bảo vật.

Nhìn các cụ, thầy Lương bây giờ mới đi vào chuyện chính :

– Thưa các cụ, trước tiên tôi rất vui mừng khi tìm được cho thôn ta món bảo vật quý báu…..Cổ nhân có câu, trong họa có phúc, trong phúc cũng có họa……Thực ra tôi với chú Kha đây không có họ hàng gì cả. Tôi là 1 người hành nghề bốc mộ, có am hiểu 1 chút về phong thủy, trên đường qua đây nhận thấy thôn ta chướng khí bao phủ, báo hiệu tai ương khôn lường. Nếu không kịp thời hóa giải sẽ khiến dân thôn nhiều người vong mạng. Biết ngay từ đầu nói ra sẽ khiến các cụ hoài nghi nên tôi mới mạo muội xin bác Kha cho làm họ hàng để tìm cơ hội thưa chuyện với các cụ…..Mong các cụ không trách tội…

Ông Kha lên tiếng nói đỡ cho thầy Lương :

– Các cụ, bác Lương đây là người tốt, bác ấy rất nhân hậu……Tất cả cũng chỉ vì bà con dân thôn Phượng Bãi ta…..Mong các….cụ……

Cụ Đồng giơ tay lên ngăn không cho ông Kha nói tiếp…..Nhìn thầy Lương, cụ Đồng cúi đầu khẽ nói :

– Cao nhân, xin nhận lấy của dân thôn Phượng Bãi chúng tôi 1 lễ này…..Phượng Bãi phúc đức lắm mới được cao nhân ghé qua trong lúc tai ương, hiểm họa….Thay mặt bà con thôn Phượng Bãi, trông cậy vào cao nhân…

Các cụ còn lại cùng cúi đầu trước thầy Lương, thầy Lương cũng cúi đầu đáp lễ….

– Các cụ, tôi chỉ là 1 người bốc mộ…..Không dám nhận 2 từ “cao nhân”. Các cụ ngồi lại chúng ta nói chuyện…

Ông Kha nói :

– Bác Lương….à không, gọi như vậy thấy thật thất kính…..Mong bác để cho dân Phượng Bãi được gọi bác là thầy……Thầy Lương, mong thầy ra tay cứu giúp….

Cụ Đồng cùng các cụ còn lại thấy ông Kha nói rất chí lý, ai cũng đồng tình với việc gọi thầy Lương là thầy…..Đây cũng là cách gọi quen thuộc mà bấy lâu nay mọi người vẫn gọi : Thầy Lương….

Mỉm cười, thầy Lương tiếp :

– Có được sự tin tưởng của mọi người, việc diệt “Thi Quỷ” xem ra không còn mấy khó khăn rồi…

Advertisement