LỜI NGUYỀN QUỶ NƯỚC - Tác giả: Kiều Ngọc Liên

LỜI NGUYỀN QUỶ NƯỚC

Tác giả: Kiều Ngọc Liên & Nguyễn Mạnh Dũng

P2/8.

Trung giật mình ngoảnh lại, thì ra là bố mẹ Tuấn vừa về. Họ nhìn Trung với ánh mắt dò xét, nghi ngờ:

"Cậu là...?"

"Hai bác, con Trung đây, hai bác còn nhớ con không?"

Bố mẹ Tuấn căng mắt nhìn rồi ồ lên:

"Thằng Trung! Về khi nào đấy con? Vợ mày đâu có về cùng không?"

"Vợ chồng con vừa mới về tới trưa nay. Thấy bảo đất lở chặn mất đường vào bản, hai bác cho vợ chồng con ăn nhờ ở đậu đến chiều được không?"

Bác trai cười khà khà vỗ vai Trung, vừa vặn Hương từ bếp đi ra.

"Con đây, hai bác vừa đi làm về đấy ạ?"

"Ừ hai bác vừa ở đoạn đất lở về đây. Trưa nay ở đây ăn cơm với nhà bác xong chiều thì lên bản, đường sửa xong rồi nhưng còn bẩn trơn lắm."

Nói xong hai bác bảo hai vợ chồng lên nhà trước để bác gái nấu ít đồ còn bác trai đi gọi thêm mấy ông bạn. Một lúc sau Tú về, tay xách một can nước gì đó. Trung tò mò hỏi là nước gì, Tú không trả lời mà chỉ nói cái này lúc nào trong nhà cũng phải có, rồi chui tọt xuống bếp.

Bữa trưa hôm nay có gà luộc, gỏi cá suối, nậm pịa dê, xôi và không thể thiếu là rau rừng. Tú xách can rượu vừa mua đem lên nhà và rót ra một bát tô lớn, chè chén một hồi, khi mọi người đã ngà ngà say, Trung mới hỏi về hình nhân treo ở cửa vì quá tò mò.

Bác trai có vẻ không muốn nói, nhưng vì coi Trung là con cháu trong nhà nên phá lệ giải thích:

"Bác chỉ nói một lần thôi, sau này đừng hỏi lại nữa."

Theo lời bác trai, gần đây ở bản có ma rừng xuất hiện, nó là hồn người ch.ết trong rừng sâu, trở thành con ma đói khát vất vưởng, món ăn ưa thích của nó là lợn gà, thậm chí có khi là con người. Hình nhân mà Trung thấy là bùa trừ tà của thầy mo để bảo vệ gia đình khỏi những thứ tà vật.

Những người đi rừng một mình rất dễ bị ma rừng che mắt, cứ lang thang đi không mục đích trong rừng sâu. Ma rừng sẽ nhập vào thân x.ác của họ, điều khiển họ đi tìm cái ăn cho mình. Những người đó hoàn toàn không còn ý thức, không khác gì những con thú hoang dại, chỉ biết theo bản năng nguyên thủy tìm cái ăn, nhìn thấy bất cứ con gì, cây gì đều bỏ vào mồm ngấu nghiến để thoả mãn cơn đói.

Câu chuyện này Trung đã nghe không ít lần khi còn bé, nhưng anh chưa từng tin. Ra Hà Nội học và làm việc mấy năm, anh lại càng không tin, không nghĩ là hôm nay lại được nghe kể một lần nữa. Nhưng Trung cũng chỉ để trong bụng, không nói ra sợ phật lòng mọi người ở đây.

Suốt bữa, cứ chốc chốc lại có người đến nhà chúc rượu, đây là phong tục của bản mỗi khi có khách tới, Trung không nhớ mình đã uống bao nhiêu rượu nữa. Anh say đến mờ mắt, ngoài việc được Hương dìu vào buồng nghỉ thì chẳng nhớ cái gì.

Khi Trung tỉnh dậy thì đã chiều muộn, anh thấy cổ họng khát khô, bèn cầm ấm nước trên bàn tu một hơi hết cạn. Đúng lúc này Hương đi đâu đó về:

"Anh dậy rồi à, hôm nay uống hơi nhiều có khi sớm mai hẵng vào bản. Em vừa đi ra chỗ mọi người làm đường, đất đá còn ngổn ngang lắm."

Trung đang định nói gì đó thì một cảm giác lợm họng như có thứ gì sắp trào ra, đành ôm miệng chạy ra ngoài:

"Huệ.... ọc ọc ọc...."

Những gì ăn vào từ bữa trưa đều từ miệng Trung trào ra hết. Nôn xong anh đi vào giường nằm vật xuống ngủ tiếp mà quên đi người vợ đang đứng nói chuyện. Hương chỉ thở dài vì quá hiểu tính cách của người dân ở đây, đã uống là phải nhiệt tình, nếu không họ sẽ mất lòng.

Nói qua về bản, không chỉ có câu chuyện ma rừng mà còn nhiều câu chuyện kỳ ảo khác được dân bản truyền miệng với nhau. Ví dụ như chuyện về cái hồ giữa rừng. Đó là nơi chứa nước lớn, là nguồn tích trữ nước chính, cứu vớt cuộc sống của dân bản mỗi khi gặp hạn hán, các con suối gần bản cạn khô đáy. Có điều muốn lấy được nước ở hồ, tất nhiên sẽ phải đi vào rừng sâu.

Hàng năm trước khi bắt đầu mùa vụ mới và kết thúc mùa vụ người ta sẽ lập đàn lễ bên hồ nước để tỏ lòng biết ơn với trời đất và cầu mong một năm mưa thuận gió hòa. Những câu chuyện xung quanh hồ nước này nhiều vô vàn, có câu chuyện về thuồng luồng xuất hiện khi trời nổi giông bão, cũng có câu chuyện quái vật ăn th.ịt người đánh cá trên hồ nước. Hầu hết là những câu chuyện hư cấu, người lớn vẽ ra mục đích để dọa trẻ con không lang thang bén mảng đến hồ nước, nhưng cũng có những chuyện đến người lớn cũng không giải thích được.

Ngày hôm sau Trung và Hương dậy sớm vào bản. Do đã biết tin nên trưởng bản tên Hom, dân bản gọi ông là già Hom, đã chờ sẵn ở đầu bản để đón tiếp vợ chồng Trung. Già Hom và cả bản này đều đặc biệt yêu quý vợ chồng Trung, vì cả hai đều mồ côi khi còn bé xíu, bố mẹ của Trung và Hương đều mất trong một trận lở đất kinh hoàng. Hai đứa trẻ đáng thương được già Hom nhận nuôi, lớn lên trong sự yêu thương đùm bọc của cả bản.

Sau một hồi hàn huyên, già Hom mời hai vợ chồng ở tại nhà sàn của bản. Nhà này vẫn thường dùng để tiếp khách đến bản và cho khách ngủ qua đêm. Tại đây "tục lệ" của bản lại tiếp tục một lần nữa, quy mô còn lớn hơn bữa rượu ở nhà Tuấn. Điều gì tới cũng tới Trung lại bị chuốc say mèm, ngủ ngất ngư tới 5 giờ chiều mới tỉnh.

Già Hom nhìn Trung cười nói:

"Tỉnh rồi à? Còn bữa tối nữa, mai nghỉ ngày kia lấy sức làm lễ 'cơm mới' hàng năm."

Trung không giấu được vẻ kinh hãi khi nghe đến vẫn còn bữa tối, đúng lúc này có người hớt hải chạy vào réo gọi già Hom:

"Già Hom, con Giang nhà ông Được, nó... nó ch.ết ở hồ nước trong rừng! Vừa mới tìm thấy x.ác vớt lên xong!"

"Cái gì? Sao lại có chuyện như vậy?"

Già Hom sầm mặt lại vì chỉ hai ngày nữa là diễn ra lễ cúng cơm mới, xảy ra sự việc này là điều xấu, điềm cực gở cho cả bản.

Ông tức tốc theo người báo tin chạy tới hiện trường, Trung cũng hoàn toàn tỉnh rượu mà cùng vợ chạy theo xem. Tới nơi, dân bản đã bu quanh khá đông, t.hi thể đã được liệm khăn trắng và che chắn lại. Người mẹ gào khóc bên t.hi thể đứa con gái duy nhất, người cha vẻ mặt thất thần ngồi bất động bên cạnh. Nguyên nhân cái ch.ết vẫn là một sự mơ hồ, bởi bản này ai mà không biết con Giang biết bơi, bơi giỏi là đằng khác.

Thấy già Hom tới, mọi người đều kính trọng nhường đường cho ông đi vào giữa.

"Ai phát hiện ra đầu tiên? Hãy kể đầu đuôi cho tôi nghe nào."

Hai thanh niên đứng ra nhận mình là người phát hiện cái x.ác.

Hai anh em nhà này kể khi họ đi bắt cá thì phát hiện cái x.ác nổi trên mặt nước, nhưng kỳ lạ là cái x.ác nổi đứng trông rất kỳ dị. Nhìn qua chỉ thấy một cái đ.ầu người lấp ló giữa lòng hồ, họ nghĩ là có người bơi, nhưng nhớ tới luật bất thành văn của bản là không ai được đi một mình đến hồ nước, họ mới lấy hết can đảm lại gần, mới tá hoả nhận ra là một cái x.ác.

Người ta cho rằng x.ác ch.ết nổi đứng không phải là con người mà là ma da, là những người ch.ết trôi không siêu thoát được, luôn chực chờ kéo người khác ch.ết đuối thế chỗ cho mình để bản thân được đi đầu thai. Cho nên hai anh em nhà này không dám vớt mà quay thuyền chạy về hô hoán.

Nhưng kỳ quái là khi anh ta vừa chèo thuyền về bờ thì cái x.ác lại nổi lên cạnh thuyền của anh ta, mắt nhắm nghiền, cơ thể trương phình do ngâm nước quá lâu, quần áo cũng tuột ra hết chỉ còn cơ thể một không mảnh vải. Cái x.ác thình lình xuất hiện ngay mép thuyền, khiến thanh niên này sợ mất mật, bởi x.ác ch.ết lý nào lại biết bơi, theo thuyền về đến tận đây? Cứ cho là sóng nước xô cái x.ác trôi đi, nhưng cũng không thể dạt vào bờ nhanh đến vậy, vì tốc độ chèo của anh ta không phải chậm!

Hai anh em sợ quá mặc kệ cái x.ác ở lại, một người chạy thẳng tới nhà thầy mo trong bản, một người hô hoán dân bản kéo đến cho đông người.

Dân bản tuy sợ nhưng cũng thương cảm vô cùng, bởi người ch.ết là người cùng bản, họ lấy hết can đảm cùng nhau xắn tay lội xuống vớt cái x.ác lên. Một cô gái tuổi đôi mươi trông gầy gò nhỏ bé, nhưng không hiểu sao cái x.ác lại nặng trì còn hơn cả con trâu hai ba tạ.

"Nó... nó nhất định là ch.ết oan nên oán khí nặng rồi!"

Advertisement