Vực Sâu Hôn Nhân - Quỳnh Vân

Trước khi kết hôn, bố tôi lặp đi lặp lại rằng, hôn nhân không thể công bằng tuyệt đối, nhưng phải có sự bình đẳng.  

             Tôi nhìn cái Bông đang ngủ yên giấc trong lòng anh Nghị, mím môi không đáp, nhưng lại âm thầm đưa ra quyết định. Nhân lúc anh đi làm thủ tục xuất viện cho con, tôi gọi điện cho bác sĩ chủ trị của Bông.  

             “Em cứ tìm hộ chị một vài người, chị phỏng vấn thấy yên tâm rồi mới làm việc. Còn về phía anh Nghị em đừng nói gì vội. Chị sẽ nói với anh ấy sau.”  

             “Dạ. Vì liên quan đến Bông nên chị cứ đưa con bé đi cùng để hỏi ý nó thì tốt hơn.”  

             “OK chị hiểu rồi. Chị sẽ sắp xếp thời gian tới.”  

             “Ai đấy em, em định đi đâu?”  

             Nghị cất tiếng hỏi khi tôi vừa dập máy xong. Tôi mỉm cười cho qua chuyện:  

             “Ở tiệm bánh có một khách đặt bánh hoa, muốn em làm. Các bạn nhân viên gọi điện báo ấy mà. Chiều em sẽ ghé qua để xem sao.”  

             “Phiền phức thật, bánh ai làm chẳng như nhau chứ.”  

             “Anh đừng nói thế. Người ta gọi em là vì nghe tay nghề nên mới đến mà.”  

             “Thôi được rồi. Anh làm thủ tục cho con gái rượu xong rồi. Bác sĩ bảo kiểm tra nốt lần cuối là có thể về. Mình chuẩn bị thôi, mẹ ở nhà sốt ruột rồi… Ây da bế con… Con nặng lắm rồi đấy.”  

             Nghị vừa nói vừa xốc bé Bông lên trên vai, khiến con bé bật cười khanh khách. Tiếng cười giòn tan làm nắng bên ngoài khung cửa cũng thêm tươi hơn. Thấy hai bố con vui vẻ như vậy, tôi không khỏi suy nghĩ lại về quyết định của mình. Xấu hổ rồi tội lỗi. Đáng lẽ tôi không nên giấu anh mới phải, dù gì anh cũng là bố của Bông, anh thương con như thế, chỉ cần tôi thuyết phục hợp lý hợp tình một chút…  

             Cứ lần lữa như vậy cho đến lúc ba người về đến nhà. Mẹ chồng nhìn tôi khó chịu ra mặt:  

             “Chẳng phải vẫn không sao đấy ư? Tôi nuôi ba đứa con, trai gái đủ cả mà có phiền phức như vậy đâu.”  

             Tôi thực sự không hiểu nổi mẹ chồng đang nghĩ gì, bà muốn cái Bông thực sự xảy ra chuyện mới có thể nói hay sao? Tôi còn mong đợi gì vào việc bà sẽ thay đổi nữa đây?  

             Cơn giận bốc lên ngùn ngụt, đặt Bông xuống đất để nó vào trong nhà chơi, tôi hỏi bà:  

             “Mẹ, có gì không hay không phải thì con xin lỗi mẹ. Nhưng nếu cháu nó xảy ra chuyện thật, lúc đấy trách mẹ còn có tác dụng gì? Mẹ yêu thương cháu con rất cảm ơn mẹ. Nhưng con tin tưởng bác sĩ của con, sau này mẹ đừng can thiệp vào chuyện con nuôi con nữa.”  

             “Chi! Em nói chuyện kiểu gì vậy?”  

             Câu quát lớn của Nghị làm tôi tỉnh người.  

             Tôi không nên cảm thấy tội lỗi vì giấu giếm anh, bởi lẽ dù có được thuyết phục bao nhiêu lần, kết quả vẫn là như thế này thôi. Anh có thương tôi không, tôi không chắc. Nhưng vị trí của tôi có bằng mẹ ruột trong lòng anh không, câu trả lời chắc chắn là không.  

             Không cần biết tôi làm gì và vì điều gì, tất cả đều do tôi không hiểu chuyện, thiếu lòng bao dung.   

             “Hôm nay con xin phép mẹ, xin phép anh. Con sẽ mời một y tá cá nhân chăm sóc Bông. Nếu mẹ sợ tốn tiền của anh Nghị thì con sẽ tự chi trả. Con làm mẹ, cũng yêu thương con gái con như mẹ thương anh Nghị. Nên mong mẹ hiểu cho con. Riêng về vấn đề chăm sóc con cái, con cũng có quyền quyết định. Và việc này con không nhân nhượng thêm.”  

             Tôi nói rồi bỏ vào trong nhà trong tiếng gọi giật của chồng. Anh vẫn đi theo tôi, tôi biết, cho đến khi cánh cửa bị tôi khóa lại ở bên trong.  

             “Chi, chúng ta bàn rồi không phải sao? Em ra đây nói chuyện một chút đã.”  

             Tôi gục đầu xuống cửa, hình như đây là lần đầu tiên hai vợ chồng cãi cọ, suy nghĩ này làm tôi có chút hoang mang.  

             “Anh nói đi. Riêng về việc thuê y tá cho Bông thì em không thay đổi.”  

             “Căn bản là em cần phải trao đổi với anh em hiểu không? Anh biết em trách mẹ, nhưng em làm thế khác nào chì chiết mẹ không biết chăm cháu. Bà già rồi không thể nghĩ ngợi lung tung. Em đi ra xin lỗi mẹ đi, chuyện của Bông mình bàn lại sau.”  

             “Không cần bàn lại nữa.” Tôi lạc giọng đi: “Anh mà muốn bàn thật thì đã bàn lâu rồi. Giống như khi mẹ trách em không biết kiểm soát ăn uống, không biết vận động, không biết cho con bú để lấy sữa non, không biết chăm con để con năm tuổi vẫn chưa biết nói… Những lúc ấy anh cũng không hề có ý định bảo vệ em.”  

             Nghị gõ bên ngoài cánh cửa:  

             “Hiện tại anh đang rất mệt, để anh vào rồi nói chuyện được không? Anh không ngủ suốt một đêm rồi.”  

             Tôi mím chặt môi im lặng. Anh đã quen như vậy, mỗi lúc có mâu thuẫn, chỉ biết nói rằng mình đã mệt cần phải nghỉ ngơi. Tôi cũng không lý giải được sắc thái đằng sau mỗi từ mệt ấy có giống nhau không, là lười tiếp chuyện hay khinh thường câu chuyện quá nhạt nhẽo, không xứng đáng để bàn luận.  

             Nghị ở bên ngoài cũng không gọi nữa, có tiếng chuông điện thoại vang lên, anh lầm rầm nghe điện, bảo sẽ “đến ngay”. Sau đó, bước chân anh xa dần.  

             Như vậy cũng tốt, tôi thở dài dựa vào tường, ít nhất hiện tại tôi không biết nên đối mặt với anh như thế nào.   

             Tôi ôm Bông đến trưa, sau khi ăn cơm xong thì xin phép mẹ chồng đưa nó ra ngoài chơi. Bà quay vào xem tivi không tiếp, tôi vẫn lễ phép bảo con chắp tay chào bà rồi mới đi.  

             Hai mẹ con đi đến gặp bác sĩ, là cô Liên, thạc sĩ khoa tâm lý, một bác sĩ tư rất nổi danh. Cô ấy trò chuyện với Bông, tìm hiểu tình hình của bé rồi giới thiệu cho tôi ba y tá.  

             Tôi phỏng vấn từng người một, sau đó quyết định chọn một người phụ nữ trông trung hậu và dịu dàng. Bông cũng rất thích cô ấy.  

             “Em thấy cái Bông hiếu động hơn trước nhiều rồi. Cháu cũng cảm nhận được tình yêu của mẹ, nên dính mẹ nhiều hơn mấy bạn tự kỷ khác. Hai mẹ con cố gắng nhé.”  

             Tôi xoa đầu cái Bông, nó hé miệng như muốn nói chữ “M”, nhưng đột nhiên lại ỉu xìu ngậm miệng lại.  

             “Không sao đâu gái yêu của mẹ nè. Mẹ sẽ cùng tập nói với con nha.”  

             “Em thấy anh Nghị hay hỏi tình hình của Bông lắm đấy. Nhà mình xảy ra chuyện gì à, sao chị giấu anh ấy?”  

             Tôi tần ngần một lúc lâu, không biết nên giải thích từ đâu, huống hồ gì đây cũng là chuyện riêng trong gia đình, nên đành đáp:  

             “Không sao em. Chị nói với anh ấy rồi. Giờ anh ấy hỏi thì em cứ nói thật thôi.”  

             “Em thấy chị lấy được người chồng tốt cực ý, lúc nào cũng dính kè kè với vợ con.”  

             “Ừ. Thế nhé, chị phải về nhà ngoại một chuyến, tiện cho Bông đi thăm ông bà.”  

             Tôi nói bừa cho qua chuyện, nhưng ý định đưa con về nhà mẹ đẻ là thật. Bố mẹ tôi trước kia mở một quán ăn ở quê, cũng gọi là khá giả, có của ăn của để. Năm tôi mười lăm tuổi thì mẹ bị chẩn đoán mắc bệnh thận. Những lần chạy thận bào mòn sức khỏe của bà và tiền bạc trong nhà, bố tôi bán chạy bán tháo đất, chuyển lên thành phố thuê nhà gần bệnh viện.   

             Chúng tôi mở một tiệm cơm mới trên Hà Nội, và ở đây tôi gặp Nghị.  

             Chúng tôi không giống nhau, nếu như nói tôi chỉ là con gái một hộ tiểu thương nhỏ thì anh là nhà tư bản lớn. Bố anh chớp thời cơ từ hồi đất nước đổi mới để mở một doanh nghiệp thực phẩm nhỏ. Chẳng có cái gì lãi nhanh và chắc chắn bằng ngành đồ ăn, công ty Thanh Nghị mở rộng dần, rồi trở thành thương hiệu ai ai cũng biết tên. Đến cả tôi, từ hồi còn bắn bi ở trong thị trấn nhỏ đã nhìn thấy tên anh trên các bọc bánh kẹo lấp lánh.  

             Anh đạp xe đến tiệm cơm nhà chúng tôi trong một buổi trưa mưa lâm râm, mái tóc ướt dính vào trán trông thật thảm hại, bối rối gọi một phần cơm.  

             “Anh chọn suất bao nhiêu?”  

             “Cho anh suất một trăm đi… sao, ít quá à… thế thì cho anh suất hai trăm nhé.”  

             Tôi nheo mắt lại bảo anh nhìn về phía bảng giá:  

             “Quán cơm sinh viên của chúng tôi chỉ có vậy thôi, 5 ngàn cơm, 15 ngàn 1 thịt 2 rau, cứ 5 ngàn thì thêm một món thịt.”  

             “À à…” Anh lúng túng gãi đầu. “Anh không hiểu lắm. Em cứ cho anh suất ba mươi đi vậy. Tùy em chọn.”  

             Tôi thấy cậu trai này trông rất đáng yêu, nhìn comple cà vạt thì biết là một cậu ấm chưa hiểu sự đời, nhưng lại điên khùng đạp xe đi mua cơm sinh viên lúc mưa gió.  

             Đúng là chẳng hiểu nổi.  

             “Anh vào đây đi.” Tôi như có bệnh mà nói.  

             “Hả?” Nghị không hiểu nhưng vẫn chạy theo.  

             Tôi ném cho anh một cái khăn mặt sạch:  

             “Tóc anh ướt rồi, lau đi. Đồ mới mua đấy, chưa ai dùng đâu.”  

             “À à…”  

             Tôi vừa nói vừa chọn cho anh một suất cơm ba mươi, còn thiên vị cho thêm một miếng cá. Kế đến tự biện minh rằng mình chỉ đang lấy lòng khách thôi. Dù gì trông anh chàng này cũng giàu có, đối xử tốt với anh ta, kiểu gì anh ta chẳng quay lại ăn lần nữa.  

             Nghị ban đầu còn nhăn nhó nhìn đĩa cơm đầy, thấy ánh mắt sắc lẻm của tôi thì cúi đầu ăn sạch.  

             “Ngon thật. Còn ngon hơn đồ đầu bếp nhà tôi nấu.”  

             Tôi vừa lau dọn bàn vừa làu bàu: “Tất nhiên là ngon rồi. Bố tôi bảo trẻ con ăn quá nhiều gia vị không tốt lắm, nhưng thiếu gia vị lại mất ngon. Tôi thì kén ăn, nên ông mới tự tạo ra công thức này đấy. Sau này mở quán ăn ở đây, nghĩ con cháu người ta cũng giống con cháu mình, nên cũng dùng nó để nấu ăn luôn. Trừ quán cơm nhà tôi ra, không ở đâu có hương vị này đâu.”  

             Lúc đấy, tôi chỉ tiện khoe như vậy, ai biết được, chỉ vì một câu nói đó đã khiến mối duyên phận của chúng tôi gắn chặt với nhau.  

             Suy nghĩ vẩn vơ mãi, chẳng mấy chốc hai mẹ con đã đến quán cơm của bố mẹ tôi. Ngay bên cạnh, chia đôi toàn nhà ba tầng là tiệm bánh mà tôi đang quản lý. Lúc đến nơi, tôi thấy mẹ mình đang nói chuyện hồ hởi với một thanh niên, chờ anh ta đi rồi mới dám hỏi:  

             “Ai vậy mẹ?”  

             “Ôi trời giờ chị mới biết mang cháu gái của bà già này về đấy à? Giờ sớm quá chưa có cơm đâu, hai đứa có đói không?”  

             “Dạ không ạ. Con với cháu vừa đi chơi rồi.”  

             “Ừ thế để bà nướng cho cháu gái cái bánh ngọt. Cái cậu vừa nãy ý à, mẹ mới cho cậu ấy thuê phòng trống trên tầng ba. Tính tình tốt, ngoan ngoãn, còn là luật sư nữa. Con yên tâm đi.”  

             “Chuyện quan trọng thế mà mẹ chẳng bảo con.”  

             “Ai bảo thế. Mẹ chẳng nhắc với Nghị rồi còn gì. Nó không bảo với con à?”  

             “Không ạ.” Tôi giả bộ hờn dỗi. “Chẳng biết ai mới là con của ông bà nữa. Con thấy chàng rể còn được quý hơn con gái rồi đấy.”  

             “Chẳng thế à, chị có mấy khi quan tâm đến ông bà già này đâu. Con gái vô tình bấy nhiêu thì con rể chu đáo bấy nhiêu, ai mà chẳng thích. Nhìn xem, mới trưa nay nó còn cho người mang hoa Tết đến đó, xếp đầy vườn kia kìa.”  

             ___  

             Nam chính giờ mới xuất hiện.
 


Advertisement
x