Trở về An Lạc tìm cố nhân (Lan Rùa)

Trở về An Lạc tìm cố nhân [10]

- Cậu Gia có chỗ nào không vui à?

Nàng quan tâm hỏi han. Hắn đáp cộc lốc:

- Không.

- Vậy cậu đang vui ạ?

- Lại chả vui quá!

- Thế thì tốt rồi. Sơn Nam nổi danh với nhiều loại mứt ngon nên em không dám múa rìu qua mắt thợ. Ở trong chiếc túi vải này có trà bánh và một bộ váy em may tặng bu cậu.

Hắn khoác trên vai chiếc túi vải nàng đưa, trong lòng thoáng buồn bực. Gì mà Sơn Nam nổi danh với nhiều loại mứt ngon? Để mứt phần ai kia, không cho hắn thì có. Nhất Tuấn Trường! Nốc cho lắm đồ ngọt vào rồi ra Tết tha hồ mà tăng cân. Hắn chẳng thèm!

- Cậu về Sơn Nam đây.

- Vâng, cậu về đi.

- Cậu về thật chứ cậu chả biết đùa là gì đâu.

- Vâng, em cũng thèm gì đùa với cậu.

- Được đi gói bánh chưng thích phải biết, tâm trạng đâu mà đùa cợt với cậu, Đình nhỉ?

- Ơ kìa? Sao cậu cứ đay nghiến chuyện em đi gói bánh chưng hoài vậy? Có gì sai ạ?

Hắn sĩ diện chẳng bày tỏ lòng mình, chỉ nói lẫy:

- Ôi dào! Tết nhất thì gói mấy cái bánh chưng cho nó có không khí, sân si gì chuyện đúng sai?

- Vâng, cậu rộng lượng không sân si vậy em cũng mừng. Cậu mau xuất phát đi cho nó sớm sủa.

- Đình không cần nhắc khéo. Có ai mong nhớ gì đâu mà cậu phải nấn ná ở lại cho tủi hổ.

- Cậu đừng bi quan. Con trai đi ở rể thì kiểu gì thầy bu ở nhà chả mong nhớ. Cậu mau về sớm cho thầy bu mừng. Đi đường cẩn thận nha cậu! Em chào cậu ạ!

Hắn lạnh lùng trèo lên lưng ngựa. Nàng khó chịu hỏi:

- Cậu không chào em à?

- Không rảnh!

Nàng tủi thân đi vào trong bếp. Không dưng lại cay mắt ghê! Tại khói bếp đấy chứ nàng có buồn gì đâu? Tết phải vui chứ! Vui thật luôn! Được ở nhà một mình, tùy ý ăn chơi ngủ nghỉ, chẳng có chồng quản, cũng chẳng có thầy bu ca thán, lại chả vui quá! Nàng nhoẻn miệng cười. Khó khăn đến mấy thì nàng cũng sẽ vẫn chọn cách mỉm cười, rồi sẽ qua cả thôi. Hắn đâu thấy gương mặt ảm đạm của nàng, hắn cũng không biết đằng sau tiếng cười khúc khích là biết bao tủi hờn. Hắn quất nhẹ vào mông ngựa. Nó phấn khích chạy như bay, cứ được đi cùng hắn là nó vui rồi, chả quan trọng đi đâu. Bởi vì trong thư, Sơn Hào không nhắc đến chuyện ở trường Tu Tâm nên Bách Gia sốt ruột ghé qua trấn đường trước để hỏi han tình hình. Sơn Hào phì cười trêu hắn:

- Gớm thôi Trấn phó, chưa gì đã hỏi chuyện công việc là sao? Tết nhất đến nơi rồi, uống ngụm trà xong nhai miếng mứt dừa cho ngọt ngào đã nào!

Bách Gia nhìn hộp mứt dừa bày trên bàn mà muốn nổi đóa. Trấn đường thiếu món ngon hay sao mà Trấn thủ lại mời hắn ăn mứt dừa? Ngọt ngào cái nỗi gì? Toàn thấy cay đắng không à! Hắn từ chối khéo:

- Bẩm Trấn thủ, dạo gần đây, hạ quan không có hứng thú với đồ ngọt.

Sơn Hào gật gù bảo:

- Không khéo ngươi lại giống ta rồi. Mỗi lần bị vợ cho ra rìa, ta tuy ngậm cả cục đường trong miệng nhưng vẫn thấy đắng lòng.

- Trấn thủ hiểu lầm rồi. Chuyện kiêng khem của hạ quan không liên quan gì tới Mễ Đình.

- Không liên quan gì tới Mễ Đình, sao nàng không về Sơn Nam đón Tết cùng Trấn phó?

- Nàng không thích, hạ quan cũng không ép.

- Ta nói Trấn phó nghe này, ngươi chỉ cần oai oách ở ngoài trấn đường là đủ rồi. Ở nhà với vợ, nhất là phận đi ở rể như ngươi, phải biết đặt vợ lên nóc nhà, mình ở dưới luồn cúi một tí cho nó êm đẹp.

- Êm đẹp đến mấy thì nàng cũng chỉ coi hạ quan là chồng hờ.

- Xem chừng thứ Trấn phó muốn không phải là giao dịch ba năm rồi. Vậy mà ta lại tưởng chuyến đi ở rể này sẽ thiệt thòi cho Trấn phó lắm cơ. Ai ngờ...

Sơn Hào cười gian. Bách Gia nghiêm túc nói:

- Chuyện tầm phào nhà hạ quan thực sự không đáng để Trấn thủ quan tâm đâu. Thỉnh cầu Trấn thủ nói qua về tình hình ở trường Tu Tâm.

Sơn Hào thẳng thắn chia sẻ:

- Trường chứ có phải chợ đâu mà mới mở ra, người ta đã nườm nượp kéo đến chung vui. Trường có tốt đến đâu thì cũng phải mất một thời gian dài mới lấy được niềm tin của vạn người. Tuy nhiên, Trấn phó đừng quá lo lắng! Tuần vừa rồi, trường đã đón tiếp hơn ba trăm người đến nghe giảng.

- Họ có thay đổi gì không thưa Trấn thủ?

- Đối với nhiều người, việc bêu xấu kẻ khác đã trở thành thú vui hằng ngày rồi. Bây giờ, ngồi nhâm nhi chén trà với nhau mà không đem ai ra để chế nhạo thì họ lại thấy thiếu, thói quen hình thành trong suốt nhiều năm liền thực sự không dễ bỏ. Tuy nhiên, cũng có một số người từng nếm trải vị đắng khi ở trong cơn bão sỉ nhục, hiểu tường tận thế nào là khổ đau, nay lại có thêm sự dẫn dắt của các thầy, họ đã mở rộng được lòng từ bi và biết cảm thông cho người khác. Những người có thể thay đổi góc nhìn sau biến cố hẳn là có phước. Những kẻ vẫn đang quanh quẩn trong vòng xoáy độc hại thì cuộc đời ắt sẽ còn nhiều thăng trầm.

- Không sao, cứ từ từ. Hạ quan tin rằng chỉ cần chúng ta đồng lòng, rồi sẽ có ngày Sơn Nam an lạc.

Sơn Hào gật gù. Gần nhà hắn, có bà Lê Dung đã ở tuổi trung niên nhưng vẫn hay bị dao động bởi ý kiến của kẻ khác. Có hôm đi chợ, bà mặc áo màu nâu, người ta chê bà bẩn như đất. Bà vội chạy về nhà thay áo màu trắng, người ta lại chê già bỏ xừ rồi còn giả đò trong trẻo. Sợ bị đàm tiếu, bà chạy đi chạy lại thêm bảy lần nữa, thay đủ bảy chiếc áo, đủ luôn cả bảy sắc cầu vồng. Ngặt nỗi, dẫu cho bà mặc áo màu nào thì cũng có kẻ thấy chướng mắt. Những năm qua, chẳng thể sống sao cho vừa lòng thiên hạ, bà buồn ghê lắm. Vậy mà, chỉ tới trường Tu Tâm nghe giảng vài buổi, bà đã ngộ ra nhiều điều. Lời ra tiếng vào trăm năm nữa biết trôi dạt về đâu mà phải chấp mãi những thị phi vô bổ? Thầy dạy mọi chuyện trên thế gian đều chỉ là duyên nghiệp, nếu tâm ta không chấp vào nó thì hết duyên, nó sẽ tự tan biến.

Lại có chị Phượng Yến lúc nào cũng than số khổ vì ngày ba bữa đều phải ăn cơm với rau muống luộc dầm tương, trong khi nhà hàng xóm thì lúc nào cũng mỹ vị đủ đầy. Nhờ có thầy khai sáng, chị thôi không sân si với những người giàu hơn mình. Chị hiểu rằng phước ai người nấy hưởng. Chị so với những người phải gặm khoai sống cho qua bữa thì vẫn may mắn hơn rồi. Chị chấp nhận hoàn cảnh hiện tại, ngừng kêu gào và chăm chỉ làm việc để cải thiện cuộc sống. Bây giờ, ngoài chăm sóc ruộng vườn nhà mình, chị còn làm thuê cho nhà phú ông Hoàng Hợp. Chị mới tu chí phấn đấu được vài ba ngày thì sao đã có thể trở thành phú bà, nhưng nhờ thay đổi góc nhìn, tâm chị an ổn hơn, gia đình cũng vì thế mà rộn ràng tiếng cười.

Phú bà Lưu Ly tuy vẫn kênh kiệu nhưng đã bắt đầu trả lương cho gia nhân trong phủ hào phóng hơn, tại bà sợ sống keo kiệt quá thì mất lộc. Thấy con trai cưng bởi vì ghé qua trấn đường nên về nhà muộn, bà cũng không cáu gắt như xưa mà chỉ lớn giọng sai:

- Con Vẹm đâu! Con Ngao đâu! Cậu Gia về rồi kìa! Đem nước ấm lên phòng hầu cậu rửa mặt mũi chân tay đi tụi bay!

Con Vẹm và con Ngao nghe tin cậu Gia về thì mừng lắm, đứa bê chậu nước ấm, đứa cầm khăn bông chạy lên phòng cậu, ríu rít hỏi han:

- Bẩm cậu, cậu mới về ạ?

- Cậu đi đường xa về có mệt không cậu?

- Mợ không về cùng cậu ạ? Buồn thế!

- Ở An Lạc có nhiều đồ ngon không cậu? Anh Vạm hứa với con rằng năm sau anh sẽ xin bà Ly cho nghỉ vài ngày để đưa con đến An Lạc chơi với cậu mợ!

- Con cũng muốn đi lắm, cơ mà con sợ trở thành kỳ đà cản mũi chuyện tốt của anh Vạm và chị Vẹm đó cậu.

- Mày biết điều thế là tốt. Con Ngao lớn khôn quá rồi, cậu nhỉ? Cậu mau ngồi xuống ghế để tụi con hầu cậu rửa mặt mũi chân tay.

Bách Gia giơ tay ra hiệu không cần. Con Vẹm và con Ngao hoang mang thắc mắc:

- Sao vậy cậu? Cậu có gì không hài lòng với tụi con ạ? Tụi con vẫn xoa bóp chân tay cho ông Hợp và bà Ly hằng ngày, chưa bao giờ bị ông bà chê cả.

Bách Gia khẽ thở dài. Hắn và thầy bu đều xuất thân từ nhà phú hộ, được gia nhân chăm bẵm từ nhỏ. Cớ sao mới gả đến An Lạc vài ngày, hắn đã thay đổi? Chẳng phải vì hắn nhớ đến điệu bộ khó chịu của nàng khi thấy một vài ông chồng giàu trong xóm được gia nhân hầu hạ chu đáo hay sao? Nàng kêu bọn họ vẽ chuyện, có cái mặt rửa không được thì kêu vợ rửa hộ, đâu cần nhờ đến gia nhân. Nàng cảm thấy mấy ông chồng nghèo không gom đủ một ngàn quan tiền nộp vào quỹ An Vui để rước vợ bé, cũng chẳng dư dả để thuê người làm còn tốt hơn gấp bội mấy ông chồng giàu không thèm quan tâm tới cảm xúc của vợ cả, tối ngày chỉ thích vui vẻ bên vợ lẽ và mấy đứa gia nhân trắng trẻo xinh đẹp. Cho dù nàng đang ở An Lạc, hắn làm gì nàng cũng chẳng thể biết được, và có thể nàng cũng đang mải vui bên ai kia, chẳng thèm nhớ đến hắn, nhưng hắn thật lòng vẫn muốn trở thành một ông chồng tốt trong mắt nàng.

- Cậu không có gì bất mãn cả. Cậu chỉ hơi mệt thôi, hai đứa lui ra ngoài trước đi.

Con Vẹm nhanh nhảu dặn dò:

- Dạ vâng ạ. Cậu nghỉ ngơi một chút rồi ghé qua gian nhà chính ăn cỗ nhé. Bữa nay có chú Hoàng Tùy và thím Lại Duyên qua chơi đấy ạ.

- Ừ, cậu biết rồi.

Ông Hoàng Hợp và ông Hoàng Tùy là anh em sinh đôi nên trông rất giống nhau, chỉ khác là trên mặt ông Tùy có một vết chàm nhỏ màu đen. Nhà ông nào cũng có của ăn của để. Tuy nhiên, nếu xét về vàng bạc cất trong kho thì nhà ông Tùy vượt xa nhà ông Hợp. Nhà ông Hợp bù lại được Bách Gia học rộng tài cao. Con trai Văn Gia của ông Tùy tuy học dốt nhưng tính gian, giỏi dùng tiểu xảo thành ra buôn bán rất đắt hàng. Văn Gia không được may mắn như ông Tùy, vết chàm màu đen trên mặt hắn cực kỳ to, choán hết má phải, nom kinh dị đến mức rất ít người dám nhìn vào mặt hắn đủ lâu để phát hiện ra rằng nếu vết chàm đó biến mất, họ khó lòng mà phân biệt được hắn và Bách Gia. Văn Gia còn bị gù, dáng đi của hắn nom phèn vô cùng.

Từ xưa đến nay, gia nhân trong nhà ông Hoàng Hợp chưa bao giờ nhầm lẫn giữa Bách Gia và Văn Gia, nên bọn chúng đâu ngờ trong tương lai, sẽ có một ngày Văn Gia giả danh Bách Gia, gây ra toàn chuyện động trời. Văn Gia chính là người đã ép Mễ Đình uống thuốc độc.

 


Advertisement
x