Trở về An Lạc tìm cố nhân (Lan Rùa)

Trở về An Lạc tìm cố nhân [18]

Máu nóng trong người Bách Gia cứ phải gọi là sôi sùng sục. Hắn vung một đường kiếm mà có tới hai tàu lá chuối rụng xuống đất. Mễ Đình và Tuấn Trường giật thót người, còn Bách Gia thì vẫn ung dung bảo:

- Trời nắng gắt, các ngươi nhặt tàu lá chuối lên che cho mát rồi hẵng nói chuyện tiếp.

Có cho vàng Tuấn Trường cũng không dám nhặt tàu lá chuối lên, hắn ba chân bốn cẳng chuồn về nhà. Mễ Đình cũng không dám láo, nàng ngon ngọt hỏi han:

- Trời nắng gắt, chồng em đi từ doanh trại về có mệt không ạ?

Hắn trả lời như đấm vào mặt nàng:

- Mệt sao bằng em thêu khăn tay cho ai kia?

Nàng không dám đôi co, biết điều nhận sai:

- Chồng em có con vợ đoảng ghê, chồng về từ đời thuở nào rồi mà cũng không biết. Hay là chồng dạy lại con vợ của chồng đi, nha!

- Dạy xong vợ cho cút về Sơn Nam luôn thì dạy làm gì?

Nàng oan quá đi mất thôi! Rõ ràng chuyện cút về Sơn Nam là do cậu Tuấn Trường khơi mào mà, sao hắn lại trút hết lên đầu nàng vậy? Nàng bực bội cầm hai tàu lá chuối đi xuống bếp. Lá tươi xanh mướt thế này dùng để gói xôi, gói giò hay gói bánh đều ngon hết sảy. Phát hiện ra có bó hoa sen to bự đặt trong chiếc thùng gỗ, khoé môi nàng bất giác cong lên. Tháng Năm sen nở khắp trấn An Lạc, cả một vùng đất bình yên tràn ngập trong vẻ đẹp tinh khôi ngọt ngào. Hôm qua, nàng chẹp miệng ca thán năm nay bận may đồ, chẳng trồng sen được, nhìn đầm sen nhà hàng xóm mà thấy ham quá. Hắn im lặng, nàng tưởng hắn không quan tâm, thế nào mà hôm nay hắn đã kiếm được ở đâu bó hoa thơm ngát đem về cho vợ rồi.

Nàng hết bực luôn, nhảy chân sáo ra ngoài gọi hắn rõ to. Ngặt nỗi, chẳng có ai đáp lời. Nàng cũng không thấy Gia Mã đâu nữa. Chắc nó theo cậu chủ tới doanh trại rồi. Nàng ở nhà một mình buồn ghê! Bình thường, chỉ cần một bát canh cua rau mồng tơi và mấy quả cà pháo muối chua dầm nước mắm là nàng đã có thể đánh bay hai bát cơm rồi. Bữa nay, trong mâm còn có thêm một đĩa cá rô đồng chiên giòn rụm nữa mà thế nào nàng vẫn thấy nhạt mồm nhạt miệng. Mọi khi cơm nước xong xuôi, hắn hay đi xuống nhà chòi với nàng, múc nước từ trong chum ra thau cho nàng rửa bát. Kể cả lúc nàng úp bát xong, cầm cái rổ đi ra vườn hái trái cây ăn tráng miệng, hắn cũng lẽo đẽo theo sau.

Giàn nho ở dưới thấp, nàng thích cắt chùm nào cũng được. Nhưng trái xoài chín vàng ở tít trên cao, hắn còn lâu mới cho nàng động vào. Võ công của hắn cao cường, hắn phi lên cây nhẹ như bay. Chỉ là, hắn giống y hệt ông cụ già hay lo xa, không cho vợ trèo cây đã đành, đến vứt quả xoài xuống đất thôi cũng không dám vì sợ nhỡ đâu rơi vào đầu vợ. Chẳng hiểu cớ làm sao một người ra ngoài gan góc như hắn, cứ về nhà với vợ là sợ đủ thứ chuyện, sợ vợ ăn nhiều đồ chua bị nhức răng, sợ vợ tắm gội lâu bị nhiễm lạnh, sợ vợ thứa khuya hại sức khỏe. Đôi lúc, nàng thấy phiền nên khó chịu mắng:

- Còn trẻ, còn đẹp thì cứ vô tư mà sống! Ai đời suốt ngày lo xa thái quá rồi sợ hãi vớ vẩn, nom chồng mà em ngỡ như cụ già trăm xuân!

Hắn không biết rút kinh nghiệm, chỉ giỏi nói lẫy:

- Cụ đây chỉ có thế thôi, thế hệ trẻ các con chịu không nổi thì kiếm chồng khác!

Ghét dã man! Phiền dã man! Vậy mà cái người phiền phức đó chỉ vắng nhà một đêm thôi, nàng đã sốt hết cả ruột. Sáng sớm hôm sau, nàng mò đến doanh trại thăm người ta, đứng nấp sau gốc cây đa, say đắm ngắm hắn tập võ để làm mẫu cho binh lính. Gớm thôi! Chồng ai mà phong thái uy nghiêm ngút ngàn, oai phong lẫm liệt thế hả? Liếc thấy nàng, gương mặt hắn lộ rõ vẻ phấn khởi, nhưng hắn vẫn làm bộ lạnh lùng quay đi, ra vẻ không quan tâm. Chồng ai mà chảnh thế nhỉ? Chồng nàng đấy! Nàng kệ hắn, bĩu môi đi xuống bếp.

Binh lính trong doanh trại rất đông nên việc nấu nướng khá vất vả. Phạm Tuấn, chỉ huy ban hậu cần, rất hoanh nghênh người nhà của binh lính hoặc nam thanh nữ tú rảnh rỗi ghé qua doanh trại chơi rồi tiện thể phụ giúp việc bếp núc. Càng đông càng vui, càng nhiều người trổ tài, binh lính càng được ăn nhiều món ngon. Biết trưa nay, Phương Nhi và Tây Đông sẽ nấu canh cá chua, lại nghe hai nàng phản ánh rằng hũ mẻ trên kệ bếp có mùi lạ nên Phạm Tuấn cẩn thận dặn dò:

- Chắc mấy bữa nay, anh quên không cho mẻ ăn cơm nên hũ mẻ bị hỏng rồi. Tụi em dùng tạm giấm bỗng hoặc quả me để nấu canh chua nhé!

Tây Đông phì cười trấn an Phạm Tuấn:

- Anh đừng lo. Có cho vàng, tụi em cũng không dám dùng mẻ hỏng để nấu canh đâu ạ. Binh lính mà đau bụng một loạt thì tụi em chịu trách nhiệm sao nổi?

Phạm Tuấn yên tâm đi ra ngoài rửa rau lang. Ở trong bếp, Phương Nhi chỉ vào Mễ Đình đang gọt dưa ngoài sân, thủ thỉ bảo Tây Đông:

- Nom ngứa mắt ghê ấy chị!

- Ừ. Ngứa mắt thực sự em ạ. Gọt mỗi quả dưa cũng lâu, vụng thối vụng nát mà dám vác mặt đến đây, đúng là không biết nhục.

- Da mặt con này dày mà chị, cái ngữ ấy không xứng đáng được ăn canh chua do chị em mình nấu.

- Xứng chứ em. Lát nấu xong, cứ múc cho nó một bát, khuyến mại thêm một thìa mẻ nữa.

- Không sợ nó phát hiện ra hả chị?

- Ôi dào! Tụi mình cứ cho thật nhiều hành hoa và thì là vào bát canh rồi nó thơm nức cả lên thì đến mũi chó cũng không đánh hơi được đâu em.

Tây Đông gợi ý. Phương Nhi đồng tình:

- Vâng, những đứa sống bẩn như con Đình phải bị nghiệp quật, chị nhỉ?

- Đúng rồi em ạ. Mong sao chút khổ đau của ngày hôm nay sẽ khiến con Đình nhận được một bài học đắt giá, hy vọng nó sẽ vì thế mà bớt lăng xăng chạy đến những chỗ không thuộc về mình. Chỉ cần doanh trại được bình yên, chị chấp nhận làm người xấu.

Chị Tây Đông quả thực quá tuyệt vời. Phương Nhi còn phải học hỏi chị nhiều, nàng cảm thán:

- Vâng. Chị em mình bởi vì giúp đời mà bất đắc dĩ phải để tay nhúng chàm. Những người đàn bà dám hy sinh vì đại sự như chúng mình xứng đáng được Trấn thủ An Lạc khen thưởng, chị nhỉ?

 


Advertisement
x