Trở về An Lạc tìm cố nhân (Lan Rùa)

Trở về An Lạc tìm cố nhân [13]

Ông bà nội Mễ Đình có một người con trai ruột tên là Ngọc và một người con trai nuôi tên là Đá. Trước khi mất, ông bà để lại toàn bộ nhà cửa và đất đai cho thầy Ngọc. Chú Đá hay tin liền làm loạn, tối ngày kêu gào oán trách ông bà. Thầy Ngọc thương em trai, không muốn vì vật chất mà mất tình anh em nên nhường toàn bộ gia sản cho em, còn mình thì lên kinh thành làm thuê. Sau nhiều năm tích cóp, thầy Ngọc quay về An Lạc mua đất, xây nhà rồi cưới vợ. Mễ Đình được sinh ra trong tình yêu thương vô bờ bến của thầy bu. Tiếc rằng, thế sự vô thường, hạnh phúc tột đỉnh rồi cũng đến ngày tàn phai. Tiếng cười trong gia đình thưa thớt dần khi thầy bu lần lượt mắc bạo bệnh. Thầy bu đã cẩn thận viết di chúc để lại toàn bộ gia sản cho nàng, cũng mời người trong xóm đến làm chứng rồi nhưng khi hai người về nơi chín suối, chú Đá vẫn mò đến nhà, mặt dày tuyên bố:

- Di chúc anh trai tao viết lúc không tỉnh táo thì chẳng có nghĩa lý gì cả. Anh em thâm tình, lẽ dĩ nhiên tao phải được thừa kế tài sản của anh trai. Mày là con gái, sau này, mày đi lấy chồng thì sẽ là con nhà người ta, đừng mơ chiếm đất của tao.

Hỡi ôi anh em thâm tình, anh mất rồi em chả thương anh, chỉ xót mỗi mảnh đất. Nếu không nhờ hàng xóm láng giềng can thiệp chắc Mễ Đình bị chú Đá tống cổ ra ngoài đường luôn rồi. Những năm qua, cứ hễ rảnh rỗi, chú lại tới sòng bạc đốt tiền. Gia sản năm xưa ông bà để lại bây giờ chẳng còn gì. Người trong trấn An Lạc sợ bị vạ lây nên không ai dám giao du với chú. Chú cũng chẳng thèm chơi với ai, suốt cả năm Ất Dậu, chú tới trấn Hải Đông làm thuê cho cửa hàng bánh đậu xanh. Tháng Giêng năm Bính Tuất về thăm quê, nghe người ta kháo nhau Mễ Đình mới lấy Bách Gia, Trấn phó Sơn Nam, chú liền nảy sinh lòng tham, tức tốc chạy qua nhà anh trai đòi đất.

- Cái con nặc nô kia, lấy chồng rồi sao không cút bà mày về nhà chồng, còn bày đặt cho chồng đi ở rể làm gì? Ở lì đấy để cướp đất của tao à? Đúng là thứ đàn bà lòng tham không đáy!

- Tham vừa thôi! Kẻo tham quá thì thâm đó!

- Mày nuốt không mảnh đất của tao vậy mà được hả?

Đám thanh niên trong xóm nghe chú Đá lải nhải thì ngứa tai vô cùng. Bọn chúng bực tức xông vào nhà chị Đình chửi ầm lên:

- Chú im ngay! Đất nào là đất của chú? Đất chú Ngọc để lại cho chị Đình mà! Đừng nhận vơ!

- Chú đốt hết tài sản của ông bà còn chưa đủ hay sao mà chú dám nhòm ngó đất đai của chị Đình?

- Đồ vô ơn! Được ông bà nhận nuôi, được anh trai cho hết của cải mà không biết tu chí làm ăn. Gia đình chú Ngọc đúng kiểu làm ơn mắc oán!

Tây Đông tỏ vẻ tốt bụng khuyên nhủ:

- Mấy em bình tĩnh, dù sao chú Đá và con Đình cũng là người một nhà, không nên to tiếng với nhau, kẻo thiên hạ nghe thấy, người ta cười cho thối mũi. Chú già rồi, cháu gái lại lấy được chồng giàu, chả nhẽ thi thoảng không cho chú được vài ba đồng à?

Chú Đá sĩ diện bảo:

- Tao thèm vào vài ba đồng của nó!

Tây Đông ghé tai chú thì thầm:

- Chú ngốc ạ! Tham đất để mà làm gì? Đất rộng đến mấy thì bán dần bán mòn rồi cũng hết, chi bằng chú cứ coi con Đình là cái hũ bạc, lúc nào thiếu tiền lại qua đòi nó báo hiếu, có phải hay hơn không?

Chú Đá thấy Tây Đông phân tích có lý nên kể từ đó, cứ vài ba ngày chú lại qua đòi tiền Mễ Đình. Chú nói nhiều, nói dai, nói tục, nàng sợ phiền hàng xóm nên chú đòi bao nhiêu liền đưa ngần ấy cho xong chuyện. Hồi tháng Giêng, chú chỉ đòi Mễ Đình mỗi lần vài chục đồng. Tuy nhiên, qua tháng Hai, chú nghe Tây Đông khích tướng rằng đòi chút tiền lẻ như vậy chẳng bõ bèn gì nên bắt đầu bòn rút của Mễ Đình nhiều hơn. Đỉnh điểm là sáng nay, chú chất chơi đòi hẳn ba quan tiền. Mễ Đình có đào đất lên cũng chẳng ra nổi ba đồng chứ nói chi đến ba quan. Con giun xéo lắm cũng quằn, nàng bực bội bảo:

- Phận con cháu, chú khó khăn thì con giúp đỡ thôi chứ con không phải là cái mỏ, đào cái liền ra vàng!

- Á à! Con này láo! Dám lớn tiếng với người lớn!

Chú Đá lôi Mễ Đình vào chuồng lợn rồi mới dám tát nàng, tại chú sợ đám thanh niên biết chuyện sẽ không tha cho mình. Mễ Đình trừng mắt nhìn chú tỏ vẻ không phục. Chú lại tát nàng thêm phát nữa. Nàng càng không phục. Nàng bướng bỉnh tuyên bố:

- Hai cái tát này là quá đủ rồi, từ giờ trở đi, chú đừng hòng lấy của con thêm một đồng nào nữa!

Chú Đá điên tiết đánh đập Mễ Đình. Nàng đau, nhưng nàng mặc kệ. Ăn một trận đòn dứt điểm còn hơn suốt ngày bị làm phiền. Nàng gan không thèm xin xỏ hại chú đánh nàng mỏi cả tay. Trước khi đi ra quán làm hớp rượu, chú cố ý lùa đàn lợn ra ngoài vườn để chọc tức Đình. Tụi nó chạy toán loạn, dẫm đạp cây cối xác xơ hết cả. Có vài con lợn còn ngu ngơ chạy vào sân. Mấy chiếc chum sành đựng dưa muối nàng chưa kịp cất vào trong bếp đã bị tụi nó xô đổ hết. Chum vỡ, mảnh sành bắn ra tung toé, nhưng nàng chẳng còn sức mà dọn dẹp. Lùa được đàn lợn vào chuồng xong nàng cũng đuối lắm rồi, đành lên giường nằm nghỉ một lát. Nàng đang chán đời thì thế nào hắn lại về, thật tốt quá! Nàng thấy hắn cứ nhìn chằm chằm vào những vết bầm, sợ hắn lo, nàng nói xạo:

- Em bị ngã!

Hắn liếc qua liền biết những vết bầm trên người nàng không phải do ngã mà ra. Nhưng giấy không gói được lửa, hắn chẳng vội tra khảo. Đối với hắn, việc chăm sóc nàng quan trọng hơn tất thảy. Hắn cẩn thận bôi thuốc lên những vết bầm. Chẳng rõ nhờ thuốc hay nhờ những ngón tay hắn dịu dàng mân mê mà nàng cảm thấy dễ chịu vô cùng. Nàng vô tư kéo váy lên, tại chiếc váy dài quá, che lấp một số vết bầm ở chân rồi. Mặt hắn đỏ lừ, hắn đưa lọ thuốc cho nàng rồi lúng túng bảo phải ra ngoài dọn dẹp sân vườn. Xong việc, hắn quay vào trong nhà thì thấy nàng đã cởi áo ngoài, chỉ mặc mỗi chiếc yếm đào. Mặc dù đã rất cố gắng nhưng nàng vẫn không thể tự bôi thuốc vào vết bầm trên lưng. Hắn vội quay mặt đi hướng khác, bối rối bảo:

- Cậu chạy sang nhà hàng xóm nhờ mấy chị qua đây bôi thuốc giúp em nhé!

Nàng thở dài hỏi:

- Có mỗi việc bôi thuốc cũng không nhờ được chồng, cậu muốn cả xóm đồn em bị hắt hủi à?

Hắn lặng thinh, là tại hắn suy nghĩ chưa thấu đáo rồi. Nàng rụt rè đề nghị:

- Hay là... cậu... bôi thuốc giúp em đi!

 


Advertisement
x