Trở về An Lạc tìm cố nhân (Lan Rùa)

Trở về An Lạc tìm cố nhân [2]

- Cái sự xấu của chị Đình bị đồn xa đến mức mà người Sơn Nam cũng biết rồi bà con ạ!

- Tao đã nói mà! Người ta đường đường là Trấn phó Sơn Nam, anh tuấn rạng ngời, sao lại chịu gả cho một đứa con gái xấu xí, dơ dáy như chị?

- Tao có người nhà làm ở phủ của ông An Trí, nghe đồn ông ấy ép Trấn phó Sơn Nam phải kết duyên với một cô nương ở An Lạc tụi mày ạ.

- Sao tự dưng ông ấy lại ép uổng người ta làm chi? Ông ấy có thù với Trấn phó Sơn Nam hả?

- Chuyện này thì tao không rõ lắm, đợi khi nào tao hóng hớt được thì tao báo cáo lại với tụi bay sau nhé!

- Nữ nhân An Lạc đầy người xinh đẹp như hoa, sao Trấn phó Sơn Nam lại chọn người xấu nhất? Hắn bị khùng hả?

- Tao thấy hắn đâu có khùng. Hắn chỉ chọn chơi vậy thôi chứ hắn có chịu gả đâu. Hắn trốn rồi đấy thôi!

Một trong những người thuộc đoàn rước rể mệt mỏi lên tiếng:

- Lũ trẻ ranh, chả biết cái gì cũng buôn chuyện tào lao! Người ta không phải là không chịu gả đi mà là người ta ngồi kiệu hoa suốt ba canh giờ, tù túng bí bách quá, chịu không nổi nên xuống kiệu rồi.

- Ủa? Xuống kiệu rồi đi đâu?

Thằng Minh tò mò hỏi, người kia thở dài đáp:

- Đi ngủ!

- Gì cơ? Ngủ ở đâu?

- Trên cây!

- Thật luôn hả?

- Thật luôn! Trấn phó Sơn Nam ở trước mặt đoàn khiêng kiệu nhẹ như bay phi lên cây đa cổ thụ, dùng cành lớn làm chỗ dựa, vô tư đánh một giấc.

- Chắc gì hắn đã ngủ? Biết đâu hắn lại nằm trên đấy suy tư sự đời cũng nên. Chúng mày thông cảm, sắp phải gả cho nữ nhân xấu nhất trấn An Lạc, hắn có chút căng thẳng âu cũng là lẽ thường tình.

- Lúc hắn xuống kiệu, ta cũng đăm chiêu y như ngươi. Ta đã dò hỏi xem hắn có căng thẳng không.

- Thế hắn trả lời ra sao?

- Hắn bảo cũng căng thẳng bình thường.

- Vậy hắn định bao giờ về nhà vợ?

- Chuyện này thì ta không rõ.

Mễ Đình nghe vậy liền thấy hoang mang vô cùng. Nàng tuy nghèo nhưng cũng cố vay của cậu Tuấn Trường năm quan tiền để làm vài mâm cỗ thết đãi hàng xóm láng giềng. Giờ cỗ bàn xong xuôi hết rồi, chú rể không xuất hiện thì còn ra thể thống gì nữa? Vẫn biết đám cưới này chỉ là một cuộc trao đổi, nhưng hắn cũng phải giữ thể diện cho nàng chứ! Nàng bực bội hỏi vị trí của cây đa chết dẫm dám chứa chấp chàng rể quý rồi phi ngựa lao vào rừng tìm hắn. Khoảnh khắc trông thấy chàng trai khí chất phi phàm đang tao nhã nằm trên cây, lửa giận trong lòng nàng chợt vụt tắt. Dung mạo bách niên nan ngộ của hắn như dòng suối mát chảy vào tim nàng. Tim nàng thực sự muốn nhảy ra khỏi lồng ngực luôn rồi. Nàng hồi hộp quá, hai má nóng bừng, hơi thở cũng trở nên dồn dập khác thường.

- Mễ Đình?

Giọng hắn rất nhẹ, rất thanh! Hắn từ đầu đến cuối chưa hề mở mắt, vậy mà vẫn biết có người tới, lại còn biết đích xác là nàng, quả thật phi thường!

- Sao cậu biết là em?

Nàng tò mò thắc mắc. Hắn kiêu ngạo hỏi lại:

- Chẳng phải cứ đến tháng Chạp, các cô dâu ở An Lạc lại cài hoa ban lên tóc vào ngày cưới hay sao?

- Cậu dựa vào mùi hoa ban để đoán ư? Hôm nay là ngày tốt, ở quanh đây có đến ba đám cưới, làm sao cậu dám khẳng định?

- Hai cô dâu kia còn bận ở bên chú rể, không rảnh lao vào rừng.

- Vâng. Người ta rước được chàng rể tốt, đến đúng giờ ăn cỗ nó hạnh phúc vậy đó cậu.

Giọng nàng có chút dỗi hờn. Hắn mở mắt nhìn bộ dạng phụng phịu của nàng, tủm tỉm bảo:

- Trong thư gửi cậu tháng trước, em bảo giờ Ngọ mới ăn cỗ mà!

Mặt nàng ngắn tũn. Ừ nhỉ? Là tại nàng sốt ruột nên giờ Dần đã dậy nấu cỗ, thành ra xong sớm chứ đâu phải tại hắn đến muộn. Nàng lí nhí chữa thẹn:

- Thì cơ mà cậu cũng phải về cùng kiệu hoa cho nó phải phép một tí chứ!

- Có ai mong chờ đâu mà về?

Hắn ở trên đường nghe người ta kể chuyện hôm kia, nàng đi nhặt hạt dẻ với Tuấn Trường, thực sự nuốt không trôi cục tức. Nàng không biết tâm tình của hắn, vô tư thổ lộ:

- Em mong cậu lắm mà!

- Mong cậu mà lại đi nhặt hạt dẻ à?

Ơ kìa? Hắn nghe lỏm được chuyện của nàng từ ai thế? Chắc đám khiêng kiệu lại thích buôn dưa rồi. Nàng nhỏ nhẹ giải thích:

- Đi nhặt hạt dẻ để chuẩn bị cho đám cưới đấy ạ!

- Cũng đâu cần đi “hai mình”?

- Đi một mình rồi ai đeo hộ chiếc gùi nặng?

- Nặng thế cơ?

- Vâng. Gần hai chục cân hạt dẻ lại chả nặng?

- Ra là có lý do!

- Vâng. Hiển nhiên là có lý do rồi, con người em làm việc gì cũng quang minh chính đại, ứ như ai đó, cưới xin đến nơi rồi còn chảnh không thèm về.

- Ừ. Chắc cậu sai.

Hắn đường đường là Trấn phó Sơn Nam, nổi danh miệng lưỡi giảo hoạt mà lại chịu thua một cô nương nhỏ bé như nàng. Hắn phi xuống ngựa, ngồi ngay đằng sau nàng. Hắn thật quá đỉnh à nha! Cậu Trường phi xuống ngựa từ cành cây thấp hơn nhiều mà thấy cũng chật vật lắm chứ không êm ru được như hắn. Bách Gia thốc nhẹ vào mông ngựa. Hắn đi ở rể cũng không đành lòng vứt Gia Mã ở lại Sơn Nam, tuần trước phải sai thằng Sách đem nó qua An Lạc, gửi cho nàng chăm nom.

Gia Mã ngày xưa bướng lắm, chẳng chịu cho ai cưỡi ngoài hắn đâu. Hôm nay, thấy nó đối với nàng vô cùng ngoan ngoãn, hắn ngạc nhiên vô cùng. Gặp lại chủ nhân, Gia Mã có vẻ rất vui, nó ngông cuồng chạy như vũ bão. Nàng ngồi không vững, cả người bị đổ rạp về phía sau. Hắn không câu nệ, vòng tay qua ôm lấy eo nàng, giữ nàng thật chặt. Nàng rất cảm kích hắn, ngựa phi tốc độ cao, không có hắn giữ, chắc nàng lao đầu xuống đất luôn rồi. Bọn họ về đến nơi thì thấy vườn không nhà trống, lũ trẻ chẳng biết trốn đi đằng nào, hoa ban trang trí trước cổng bị người ta giật xuống giẫm nát. Cỗ bàn văng hết xuống đất, bát đĩa cũng bị đập vỡ tan tành. Nàng tím mặt nhảy xuống ngựa chất vấn bu cậu Trường:

- Bà Tình! Sao bà phá cỗ của con?

Bà Tình khinh bỉ lườm nàng, cao giọng hỏi:

- Cỗ nào là cỗ của mày? Mày cướp năm quan tiền của cậu Trường để làm cỗ mà mày lại nhận vơ là cỗ của mày, không biết nhục hả?

- Bà ơi! Bà hiểu lầm con rồi! Oan uổng cho con quá! Tiền là con vay cậu Trường chứ không phải con cướp ạ. Con sẽ sớm trả lại tiền cho cậu thôi. Bà làm ơn làm phước bà tha cho con. Hôm nay là ngày vui của con mà. Đàn bà con gái trăm năm mới có một ngày trọng đại. Con xin bà đừng đập phá nữa!

Nàng khóc lóc van nài, nhưng bà Tình nào chịu tha cho nàng. Bà lắm tiền nhiều của có tiếng ở cái trấn này. Khác với nhiều người giàu ở An Lạc thích bố thí để tạo phước lành, bà Tình thuộc dạng chi li từng đồng, tiền đã vào túi bà rồi thì bà đố nó dám chui ra. Người ta càng lên cao càng phải khiêm nhường, còn bà thì càng lên cao lại càng hống hách. Bà mà thấy chướng mắt với đứa nào thì bà sẽ đì cho đứa đó không ngóc đầu lên được.

- Cậu Trường là công tử nhà giàu, nghèo hèn như mày có nằm mơ tám kiếp cũng còn lâu mới được nói chuyện với cậu, lại dám bày đặt kêu vay tiền. Xạo nó quen à?

Nơi nhộn nhạo có người nhân hậu thì ở chốn yên bình cũng sẽ có kẻ chua ngoa. Thiện ác đan xen, ấy mới là nhân thế. Trái tim con người có lẽ bởi vì vậy mà cũng chia làm hai, phần trong sáng để trao đi yêu thương và góc tăm tối để ôm trọn những đắng cay của cuộc đời. Mễ Đình buồn bã giải thích:

- Bà không tin thì bà hỏi cậu Trường đi bà! Con thề là con không nói xạo!

- Á à! Con này láo! Dám đôi co nhiều lời! Vả nó rụng răng cho bà!

Bà Tình vừa dứt lời thì có tiếng ngựa hí vang trời. Trấn phó Sơn Nam ngồi trên ngựa, trừng mắt lườm một lượt. Bọn gia nhân trong nhà bà chợt lạnh toát sống lưng. Chuyện hai con hổ dữ lao vào trấn tấn công người Sơn Nam, bị Trấn phó bắt sống ai mà không biết? Hắn ung dung ra lệnh:

- Vả đi!

Mễ Đình tủi thân vô cùng. Nàng phải chăng vừa rước thú dữ về nhà? Bách Gia thế mà lại ngang nhiên khuyến khích người ngoài vả nàng. Nàng chua xót nhắm mắt chịu trận. Con Mọt hứng khởi tiến về phía nàng, nhưng nó còn chưa vung tay lên, hắn đã liếc về phía bà Tình, gằn giọng chấn chỉnh:

- Vả mụ ta!

Con Mọt run cầm cập hỏi lại:

- Không... không phải... là vả... chị Đình ạ?

Trấn phó Sơn Nam nhếch mép cười khẩy rồi nhàn nhạt thách thức:

- Ngươi thử vả nàng một phát xem đời ngươi có nát không?

 


Advertisement
x