Trở về An Lạc tìm cố nhân (Lan Rùa)

Trở về An Lạc tìm cố nhân [3]

Nàng không nghe nhầm đấy chứ? Hắn đang công khai bảo vệ nàng sao? Nàng mở to mắt nhìn hắn. Đôi mắt nàng tròn xoe, long lanh, ánh lên niềm hạnh phúc khó tả. Hắn đối diện với đôi mắt thơ ngây ấy, tim bất giác đập nhanh một nhịp. Hắn hắng giọng dặn nàng:

- Cậu đã gả về đây rồi, đứa nào láo nháo, mách cậu, cậu cho nó ra bã. Nghe chưa?

Nàng gật đầu lia lịa. Con Mọt sợ toát mồ hôi hột, nó không dám vả bà Tình, càng không dám vả chị Đình. Nó bí quá, đành giả ngất. Mấy đứa kia lấy cớ khiêng nó về, vội vã chuồn. Bà Tình thực ra cũng hơi rén rồi, nhưng do bản tính tham tiền, bà vẫn cố ra oai:

- Con mẻ điên kia! Mày không nôn năm quan tiền ra đây thì hôm nay đừng hòng cưới xin gì hết!

Đào đâu ra được năm quan tiền đây? Mặt nàng buồn thiu. Hắn uy dũng xuống ngựa, đưa cho nàng một chiếc túi gấm đỏ, bên trong chứa rất nhiều tiền rồi áy náy bảo:

- Ở Sơn Nam còn mấy vạn lượng vàng, là quà cưới sư phụ tặng cậu, nhưng cậu quên không đem theo.

Bà Tình tưởng như vừa bị lên cơn đau tim. Nhà bà làm ăn buôn bán bao nhiêu năm nhưng trong kho cũng chẳng có nổi một ngàn lượng vàng. Trấn phó Sơn Nam có mỗi gả đi thôi mà cũng được sư phụ cho mấy vạn lượng vàng làm quà cưới, quả thật khiến người ta ghen tị! Mễ Đình tạm thời cũng hơi chếnh choáng, nàng ngập ngừng hỏi:

- Sư phụ... của cậu... đào đâu ra... lắm vàng vậy?

- Cậu cũng không rõ nữa, nhưng cậu đoán chắc sư phụ được Hoàng thượng ban thưởng. Tứ Hoàng tử năm xưa, tức Hoàng thượng bây giờ, có thể thuận lợi ngồi trên ghế rồng, một phần cũng nhờ sư phụ tận tâm dạy bảo.

Sư phụ của Trấn phó Sơn Nam cũng chính là sư phụ của Hoàng thượng ư? Chân tay bà Tình run cầm cập, mặt bà cắt không còn giọt máu. Bà len lén đi về. Trấn phó có vẻ không vui lắm, hắn cau có hạ lệnh:

- Đứng lại!

Bà Tình giật thót cả người!

- Dạ... bẩm cậu... cậu có gì sai bảo ạ?

- Có gan phá mà không có gan dọn hả?

- Dạ... dạ... tôi... tôi dọn... ngay đây ạ!

Bà Tình quen thói chỉ tay năm ngón rồi, giờ phải khom lưng cúi đầu dọn dẹp, thực tình cũng ủy khuất cho bà quá! Cơ mà bà chỉ dám hạch sách kẻ yếu thôi chứ đâu dám đè đầu cưỡi cổ Trấn phó Sơn Nam. Phải nhặt từng mảnh bát vỡ đặt vào chiếc mâm đồng, bà đã thấy khổ lắm rồi mà còn bị quát:

- Nhanh cái tay lên!

- Dạ... dạ... cái tay của tôi... đang nhanh lắm rồi đây ạ!

- Có cần cậu dọn hộ không?

Ngữ khí của Hoàng Bách Gia bức bà Tình phát khóc. Bà mếu máo thưa gửi:

- Dạ... không ạ... tôi... không... dám làm phiền cậu ạ.

Mễ Đình thấy tội nghiệp bà Tình nên lao vào dọn dẹp cùng. Bách Gia đứng một góc, chắp tay đằng sau lưng, trìu mến nhìn nàng. Có thể mở lòng giúp kẻ vừa chửi mình, nàng quả thực quá tốt bụng rồi. Xong xuôi, nàng đưa cho bà Tình năm quan tiền, nhỏ giọng nhờ vả:

- Bà trả tiền cho cậu Trường giùm con nha!

- Thôi... thôi... tiền... nong gì...

- Có vay có trả. Bà cứ cầm lấy đi!

Bà Tình cầm tiền trong tay mà như cầm phải viên than hoa đang cháy bừng bừng. Bà vội vã nhét tiền vào túi áo rồi khom lưng bẩm báo:

- Bẩm cậu, sân sướng đã sạch sẽ. Tôi xin phép cậu... cho tôi về. Tôi chào cậu!

Trấn phó Sơn Nam cao giọng hỏi:

- Chào mỗi cậu thôi hả?

- Dạ... dạ... không ạ... tôi... thất lễ quá... tôi chào cậu... tôi chào mợ... tôi xin phép đi về.

Bách Gia phẩy tay cho bà lui. Đường đường là phú bà nổi danh khắp trấn An Lạc mà phải cúi đầu trước một con nhỏ nghèo hèn, quả thực cay không tả nổi. Nhưng biết sao được? Nó đâu còn là con nhỏ dễ bị bắt nạt năm xưa, nó bây giờ là mợ lớn rồi. Đời người lên voi xuống chó, thôi đừng ở trong cơn mưa mùa đông mà cay cú nắng xanh ngày hạ, muốn an lạc thì cứ tùy duyên mà sống. Nàng trả lại hắn chiếc túi gấm, cảm kích bảo:

- Cảm ơn cậu nhiều. Đợi mấy hôm nữa gom đủ tiền, em sẽ trả lại cậu đầy đủ. Vàng sư phụ cho cậu thì cậu cứ giữ lấy, sau này lấy vợ còn nhiều việc phải lo.

- Sau này... lấy vợ?

- Vâng. Ba năm sau, giao dịch kết thúc thì cậu cũng phải lấy vợ chứ!

Hắn chợt bần thần. Nàng không nhắc, hắn cũng quên mất lần se duyên này chỉ là một cuộc giao dịch, suýt chút nữa còn định đưa hết tiền cho nàng giữ. Tự dưng, hắn thấy hơi hụt hẫng. Nàng đoán không ra tâm ý của hắn, tưởng hắn tủi thân vì đám cưới vắng vẻ nên tung tăng chạy đi mời bà con hàng xóm sang chung vui. Thấy thương nàng, người cho đĩa măng xào tóp mỡ, người cho bát ốc luộc, người cho chõ xôi gấc mới đồ... mỗi người góp một ít thành bàn tiệc đầy, mọi người quây quần bên nhau, vừa ăn vừa tám chuyện rôm rả.

Quà cưới của nàng giản đơn vô cùng! Lũ trẻ con vặt cả chùm hoa mận tặng chị Đình. Mấy cô nương trong xóm may cho nàng yếm đào. Các thím các dì, có người tặng rổ rá, có người tặng chăn màn, toàn đồ thủ công. Đám cưới ở An Lạc thường rất nhỏ, chỉ mời những vị khách thực sự thân thiết. Dân ở đây đi ăn cưới thong dong lắm, họ đến chúc phúc cho cô dâu chú rể bằng cả tấm chân tình. Đám cưới ở Sơn Nam thường to hơn, có những đám mời tới cả ngàn khách. Người Sơn Nam vì thế mà rất bận rộn, tháng nào ít đình đám thì còn có thời gian tâm tình, chứ có tháng cứ như chạy bão, đến đám cưới chỉ kịp bỏ bạc vào thùng làm quà mừng cô dâu chú rể rồi lại phải tranh thủ ghé qua các đám khác như một kiểu đi trả nợ.

Bác cả nhà Bách Gia từng tức giận nguyên một tháng chỉ vì bà xóm trên mừng cưới con gái bác có vỏn vẹn một lượng bạc, so với mười lượng bạc bác mừng cưới con trai bà năm ngoái thì chả thấm vào đâu. Hắn ở An Lạc nghe mọi người tám chuyện mới biết hồi tháng Hai, Mễ Đan cưới chồng, Mễ Đình tặng hẳn một con trâu. Ngày vui của nàng, Mễ Đan bận việc chẳng ghé qua được, chỉ gửi cho chục quả bưởi làm quà. Hắn tưởng nàng sẽ nổi đóa, ai ngờ nàng vẫn hớn hở bổ bưởi mời khách. Con người nàng vô tư xởi lởi, tạo cho người bên cạnh cảm giác ấm áp lạ thường. Nàng nghĩ một khi đã phát tâm cho đi, người ta chịu nhận quà của nàng thì nàng cũng đã có phước rồi, không cần phải so đo tính toán nhiều. Sống trên đời mà cứ chi li quá thì chỉ khiến bản thân thêm mệt mỏi. Nàng biết hắn ghét tiệc tùng, sợ hắn nhọc nên ghé tai hắn nói nhỏ:

- Dù sao cũng chỉ là vợ chồng hờ, cậu không cần xông xáo quá đâu. Ăn trưa xong, cậu cứ vào buồng nghỉ ngơi, khách khứa để em tiếp cho!

Hắn gật đầu đại, nhưng vẫn cứ quanh quẩn bên nàng. Nàng ra cổng tiễn khách, hắn cũng lẽo đẽo đi theo, hắn tự thấy mình rảnh quá mà! Nàng cho mỗi nhà một túi hạt dẻ rang muối làm quà. Hắn nhìn hạt dẻ, mường tượng ra cảnh một nam một nữ tung tăng dắt nhau lên núi, mặt bất giác méo xệch như vừa ăn phải hạt dẻ rang cháy. Xế chiều, nàng nấu cho hắn một nồi cháo thơm phức, còn nàng thì ăn lại chỗ xôi thừa. Hắn giật lấy nắm xôi trên tay nàng, cố ý ép nàng ăn cháo mới nấu, giọng còn như đang dỗi hờn:

- CHỒNG HỜ thôi mà, em nhường nhịn làm gì?

Nàng trố mắt nhìn hắn, thực sự không cần phải nhường nhịn sao? Ngẫm kỹ thì hắn và nàng đâu có yêu đương gì, bởi vì giao dịch này nên bắt đầu từ tháng Chạp năm Giáp Thân mới trao đổi thư từ. Thấy nàng viết trong thư rằng nàng ngại nhất là đi cày vào những ngày giá rét, tháng Giêng năm Ất Dậu, hắn liền sai thằng Sách tới An Lạc mua tặng nàng một con trâu. Thế nào mà qua tháng Hai, nàng đã hào phóng tặng trâu cho Mễ Đan luôn rồi. Hắn biết tin cũng không trách móc nửa lời, lại sai thằng Sách mua một con trâu khác cho nàng. Lần nào nàng cũng hỏi Sách trâu có đắt không để sau này nàng còn gửi tiền trả hắn. Sách theo lệnh hắn nói xạo:

- Trâu nhà Trấn phó đem từ Sơn Nam qua, chẳng tốn xu nào đâu mợ ạ.

- Tôi còn chưa lấy cậu, sao đã được gọi là mợ?

Nàng thắc mắc. Sách mách lẻo:

- Cậu dặn con gọi vậy. Cậu kêu con ở trước mặt mợ phải lễ phép, bằng không cậu táng con nhừ tử.

Nàng cười hiền, chẳng thèm bắt bẻ nữa. Qua tháng Ba, Sách lại đem cho nàng sáu con dê, tám con bò và một đàn lợn con. Nàng sợ mắc nợ hắn, rối rít hỏi giá cả. Sách lại được dịp điêu toa:

- Ôi dào! Dê, bò, lợn nhà Trấn phó ý mà mợ, dạo này cậu bận việc, không chăm nổi tụi nó nên cậu sai con đem gửi ở nhà mợ.

Nàng nhìn đàn lợn con, thương xót cảm thán:

- Khổ thân tụi bay, phải lặn lội từ Sơn Nam qua đây!

Thằng Sách cố nhịn cười. Mấy con lợn mà biết nói chắc tụi nó cũng phải quỳ lạy nàng luôn. Sơn Nam gì chứ bà nội? Tụi tui ở ngay ngoài chợ mà. Sáng nay, bà đi chợ, tụi tui còn thấy bà đấy. Bà còn ngoác cái miệng ra cười với tụi tui đấy. Thế nào mà mới đến trưa đã quên nhau luôn rồi, thứ người gì đâu vô tri thấy ghét!

- Ơ cơ mà... nom mấy con lợn này quen nhỉ? Cảm giác cứ như là đã từng gặp ở An Lạc rồi.

Ồ! Thì ra nàng cũng không đến nỗi vô tri lắm! Thằng Sách hơi chột dạ, nhưng nó nhanh trí chữa cháy:

- Ôi dào! Lợn An Lạc hay lợn Sơn Nam thì cũng chỉ là con lợn, giống nhau âu cũng là lẽ thường tình.

Nàng gật gù bảo:

- Cũng đúng, cái giống lợn mà, con nào chả mũm mĩm, nom mê quá đi mất.

- Dạ, mợ nói chuẩn. Cậu Gia mê đàn lợn này lắm luôn. Cái hồi cậu không bận, ngày nào cậu cũng phải tắm cho lợn mới chịu đấy ạ!

Thằng Sách chém gió thành bão, nó đâu ngờ sau này, sẽ có ngày nó thực sự đem bão đến cho cậu nhà nó đâu. Nàng ăn hết nồi cháo liền vui vẻ bảo:

- Em nghe đồn những lúc rảnh, không tắm cho lợn, cậu chịu không nổi. Tụi nó qua đây từ tháng Ba, chắc cậu nhớ thương lắm. Thôi thì từ giờ, việc tắm rửa của tụi nó, em xin phép nhường cậu lo.

Gương mặt Hoàng Bách Gia đen kịt. Ai đồn? Thằng Sách chứ ai? Hắn hận không thể lôi cổ nó từ Sơn Nam qua đây táng cho một trận! Hắn sinh ra đã ngậm thìa vàng, mười tuổi được vị thầy nổi tiếng nhất vùng nhận làm đệ tử. Thầy bu chỉ mong hắn chuyên tâm rèn giũa, văn ôn võ luyện để sau này gây dựng nghiệp lớn. Thầy bu mà biết hắn mới gả về An Lạc đã bị vợ bắt đi tắm cho lợn chắc uất nghẹn mất thôi. Hắn thế mà cũng không có gan vạch trần thằng Sách, căn bản sợ nói nhiều, nhỡ sơ hở sẽ lộ ra việc đàn lợn kia không hề có xuất thân từ Sơn Nam. Hắn đành kiếm cớ:

- Việc ở trấn bận rộn, lâu ngày không có thời gian vào chuồng... cậu quên cách tắm cho lợn rồi.

Nàng vô tư bảo:

- À, vâng. Thế thôi, để em chạy sang nhà cậu Tuấn Trường, nhờ cậu ấy giúp một tay vậy!

Dứt lời, nàng hồn nhiên chạy vụt đi. Hắn giận phừng phừng, vô thức đuổi theo nàng, mạnh mẽ cầm lấy cổ tay nàng. Nàng ngơ ngác hỏi hắn:

- Cậu Gia... sao vậy?

- Cậu... cậu...

Sau một hồi ngập ngừng, hắn lúng túng bảo:

- Cậu... nhớ... ra rồi.

- Cậu nhớ ra cái gì cơ ạ?

Hắn lôi nàng đi xềnh xệch, vừa đi, hắn vừa quả quyết khẳng định:

- Cậu nhớ ra cách tắm cho lợn rồi, em không cần nhờ vả ai cả, mau về thôi!

 


Advertisement
x